Trong quá trình tăng trưởng của các sản phẩm công nghệ, Acquisition là giai đoạn đầu tiên và đóng vai trò then chốt trong việc thu hút người dùng, khách hàng mới. Nếu không có chiến lược Acquisition hiệu quả, doanh nghiệp sẽ khó mở rộng được quy mô và duy trì đà tăng trưởng bền vững.
Hãy cùng Growth Marketing Vietnam khám phá những kiến thức cốt lõi về Acquisition trong bài viết này nhé. Điểm lưu ý của bài viết trong phạm vi, lĩnh vực về các sản phẩm về công nghệ.
1. Acquisition là gì? Mối quan hệ của Acquisition với Retention và Monetization.
Acquisition là quá trình thu hút và chuyển đổi tập đối tượng tiềm năng trở thành người dùng hoặc khách hàng thực sự của sản phẩm. Đây là giai đoạn đầu tiên đóng vai trò đưa người dùng, khách hàng đến và khởi đầu hành trình trải nghiệm của họ đối với sản phẩm.

.
Trong một Growth Model cơ bản thường có 3 thành phần chính là: Acquisition, Retention và Monetization thì Acquisition đóng vai trò nền tảng, quyết định tốc độ mở rộng và hiệu suất của toàn bộ hệ thống tăng trưởng bởi vì:
- Acquisition là bước đầu tiên để sản phẩm có người dùng: Mọi sản phẩm hay dịch vụ đều cần người dùng mới để có thể vận hành và phát triển. Nếu không có Acquisition, sẽ không có ai sử dụng sản phẩm, đồng nghĩa với việc không thể tiếp tục các bước Activation hay Retention. Một dòng chảy liên tục của người dùng mới là điều kiện tiên quyết để sản phẩm tồn tại và tăng trưởng. Ngoài ra, Acquisition còn cung cấp dữ liệu thực tế giúp đội ngũ sản phẩm hiểu rõ hành vi khách hàng và tối ưu hóa trải nghiệm. Nếu không có đủ người dùng tham gia, doanh nghiệp sẽ thiếu thông tin quan trọng để đo lường hiệu quả và cải thiện sản phẩm.
- Acquisition tác động trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng: Tốc độ tăng trưởng của một sản phẩm phụ thuộc rất lớn vào khả năng thu hút người dùng mới. Một chiến lược Acquisition hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng thị phần nhanh chóng, chiếm lĩnh thị trường trước khi đối thủ kịp phản ứng. Điều này đặc biệt quan trọng trong các ngành cạnh tranh cao, nơi tốc độ là yếu tố quyết định sự thành công. Bên cạnh đó, Acquisition còn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra hiệu ứng mạng lưới (Network Effect). Đối với các mô hình nền tảng như marketplace hay SaaS B2B, càng nhiều người dùng tham gia, sản phẩm càng có giá trị, thúc đẩy Retention và Monetization.
- Acquisition ảnh hưởng đến hiệu suất của các giai đoạn tiếp theo: Acquisition không chỉ đơn thuần là thu hút nhiều người dùng mà còn phải thu hút đúng đối tượng. Nếu chiến lược Acquisition không nhắm đúng nhóm khách hàng mục tiêu, tỷ lệ Activation và Retention sẽ thấp, dẫn đến hiệu suất Monetization kém. Một lượng lớn người dùng không phù hợp sẽ rời bỏ ngay sau khi đăng ký, khiến doanh nghiệp lãng phí chi phí tiếp cận mà không mang lại giá trị dài hạn. Ngược lại, nếu Acquisition thu hút đúng khách hàng có nhu cầu thực sự, họ sẽ gắn bó lâu dài, tạo ra doanh thu ổn định và giúp doanh nghiệp tối ưu hóa vòng đời khách hàng.
2. User Acquisition và Customer Acquisition
Khi tìm hiểu về Acquisition, có thể chia thành hai loại: User Acquisition và Customer Acquisition, tùy thuộc vào mô hình kinh doanh và tính chất sản phẩm.
User Acquisition là quá trình thu hút người dùng mới để họ sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ, nhưng những người dùng này không nhất thiết phải trả tiền ngay từ đầu. Những người dùng này có thể đăng ký tài khoản, dùng thử sản phẩm hoặc sử dụng phiên bản miễn phí trước khi quyết định nâng cấp lên phiên bản trả phí (Paid User).
User Acquisition đặc biệt phổ biến trong các sản phẩm B2C, nơi việc mở rộng quy mô nhanh chóng và đạt được hiệu ứng mạng lưới đóng vai trò quan trọng. Một số mô hình kinh doanh điển hình tập trung vào User Acquisition bao gồm Freemium, Mobile Apps, Social Network, Marketplaces và Subscription Services.
Customer Acquisition là quá trình thu hút những khách hàng sẵn sàng trả tiền để sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ ngay từ đầu. Customer Acquisition thường phổ biến hơn trong các sản phẩm B2B, nơi mà việc có một nhóm khách hàng sẵn sàng trả tiền quan trọng hơn so với việc có một lượng lớn người dùng miễn phí. Doanh nghiệp B2B thường có giá trị hợp đồng lớn, nhưng chu kỳ mua hàng lại kéo dài và phức tạp, đòi hỏi quá trình ra quyết định của nhiều bên liên quan.
Bất kể doanh nghiệp lựa chọn User Acquisition hay Customer Acquisition thì Customer Acquisition Cost (CAC) luôn là một chỉ số quan trọng để đánh giá hiệu quả Acquisition. CAC đo lường chi phí trung bình để có được một khách hàng mới, từ đó giúp doanh nghiệp tối ưu ngân sách marketing. Mức CAC hợp lý cần đảm bảo tỷ lệ LTV:CAC đủ lớn để duy trì tăng trưởng bền vững.
Đặc biệt với mô hình User Acquisition, CAC không nên chỉ được tính trên số lượng người dùng đăng ký tài khoản (Registered User), mà phải xác định dựa trên nhóm người dùng thực sự tạo ra giá trị cho doanh nghiệp. Đó có thể những người dùng đã trả tiền (Paid Users) hoặc đã thực hiện một hành động quan trọng (Core Action) có nhiều ý nghĩa và giá trị với sản phẩm.
Ví dụ:
- JupViec tính CAC dựa trên số lượng Paid User – những người dùng đã thực hiện trả tiền để có một buổi dọn dẹp.
- Finhay, MoMo đo lường CAC dựa trên Funded User – những người dùng đã nạp tiền vào tài khoản.
3. Các chiến lược Acquisition phổ biến.
3.1 Paid Acquisition
Paid Acquisition là phương pháp sử dụng ngân sách để triển khai các chiến dịch quảng cáo nhằm tiếp cận và thu hút khách hàng mới. Đây là một cách tiếp cận nhanh chóng, có thể đo lường và tối ưu hóa liên tục để đạt được hiệu quả cao nhất.
Một trong những phương pháp phổ biến nhất là quảng cáo trên các nền tảng như Google Ads, Facebook Ads, TikTok Ads…. Những nền tảng này cho phép doanh nghiệp tiếp cận đúng đối tượng mục tiêu dựa trên hành vi, sở thích và nhân khẩu học.
Ngoài quảng cáo trả phí, Affiliate Marketing & KOL/ Influencer Marketing cũng là phương pháp hiệu quả. Bằng cách hợp tác với các đối tác, doanh nghiệp có thể tiếp cận khách hàng tiềm năng thông qua những kênh có sẵn. Các thương hiệu thường hợp tác với KOL/Influencer có tầm ảnh hưởng để tạo niềm tin và thúc đẩy quyết định mua hàng.
Paid Partnership & Sponsorship là một chiến lược khác, trong đó doanh nghiệp hợp tác với các thương hiệu có tệp khách hàng tương tự hoặc tổ chức tài trợ các sự kiện, chương trình để quảng bá thương hiệu một cách mạnh mẽ hơn.
Đọc thêm các case study:
Finhay với chiến lược Acquisition thông qua KOL tại ĐÂY
3.2 Organic Acquisition
Organic Acquisition là phương pháp thu hút khách hàng thông qua các kênh tăng trưởng tự nhiên hoặc tốn ít chi phí. Đây là cách xây dựng nền tảng khách hàng bền vững và có thể giảm chi phí Acquisition về lâu dài.
SEO & Content Marketing đóng vai trò quan trọng trong Organic Acquisition. Bằng cách tạo nội dung giá trị, tối ưu hóa website và bài viết cho công cụ tìm kiếm, doanh nghiệp có thể thu hút traffic tự nhiên và xây dựng lượng khách hàng tiềm năng một cách ổn định.
Bên cạnh đó, Social Media & Community Growth là một chiến lược quan trọng, trong đó doanh nghiệp tận dụng nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Instagram để xây dựng cộng đồng, tạo nội dung hấp dẫn và tăng cường tương tác với người dùng.
Referral Marketing cũng là một kênh phổ biến trong Organic Acquisition. Bằng cách khuyến khích người dùng giới thiệu bạn bè để nhận ưu đãi, doanh nghiệp có thể mở rộng lượng khách hàng mới một cách tự nhiên, tiết kiệm chi phí hơn so với các kênh trả phí.
Đọc thêm các case study:
Chương trình Referral nổi tiếng của Dropbox tại ĐÂY
Chiến lược Inbound Marketing của Hubspot tại ĐÂY
3.3 Product-led Acquisition
Product-led Acquisition là chiến lược mà trong đó sản phẩm là động lực chính dẫn đắt và thúc đẩy trong việc thu hút và giữ chân khách hàng. Product Led đặt sản phẩm làm trung tâm của quá trình tăng trưởng thông qua việc liên tục tối ưu sản phẩm và trải nghiệm người dùng.
Một số đặc điểm chính của Product Led Acquisition bao gồm:
- Trải nghiệm dùng thử miễn phí (Freemium hoặc Free Trial) – Cho phép người dùng trải nghiệm giá trị cốt lõi của sản phẩm trước khi quyết định trả phí. Điều này giúp xây dựng niềm tin và tăng khả năng chuyển đổi sang khách hàng trả phí khi họ nhận thấy sản phẩm thực sự hữu ích.
- Viral Growth – Sản phẩm có tính lan truyền tự nhiên, khuyến khích người dùng giới thiệu cho người khác. Các cơ chế như mời bạn bè, tính năng cộng tác hoặc ưu đãi khi giới thiệu có thể đẩy nhanh tốc độ lan truyền.
- Tối ưu Onboarding – Quá trình hướng dẫn giúp người dùng nhanh chóng đạt được “Aha Moment” và tiếp tục gắn bó với sản phẩm. Một onboarding hiệu quả sẽ giảm tỷ lệ rời bỏ sớm và giúp người dùng khám phá giá trị của sản phẩm nhanh hơn.
- Self-serve – Người dùng có thể tự khám phá và sử dụng sản phẩm mà không cần sự can thiệp của đội ngũ bán hàng.
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về Product Led Growth, có thể tham khảo bài viết dưới đây:
Đọc thêm các case study:
Chiến lược tăng trưởng dựa trên sản phẩm của TopCV tại ĐÂY
Các chiến lược tăng trưởng giúp Canva đạt 60 triệu người dùng tại ĐÂY
3.4 Offline Acquisition
Dù các kênh digital online ngày càng phát triển và chiếm lĩnh nhiều lĩnh vực, các kênh offline vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút khách hàng, đặc biệt là với những lĩnh vực cần sự tương tác trực tiếp hoặc có hệ sinh thái phân phối rộng.
Chẳng hạn, Event Marketing và hội thảo (webinar) là một chiến lược phổ biến trong mô hình B2B, giúp doanh nghiệp tiếp cận nhóm khách hàng tiềm năng thông qua các sự kiện chuyên ngành, hội thảo và workshop thực tế. Những hoạt động này không chỉ nâng cao mức độ nhận diện thương hiệu mà còn tạo dựng lòng tin, thúc đẩy mối quan hệ sâu sắc hơn giữa doanh nghiệp và khách hàng. Khi khách hàng có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm, dịch vụ hoặc đội ngũ chuyên gia, khả năng chuyển đổi và giữ chân họ sẽ cao hơn đáng kể.
Bên cạnh đó, hợp tác với đối tác bán lẻ (merchant) cũng là một chiến lược đáng chú ý. Việc tận dụng mạng lưới phân phối rộng khắp của các hệ thống bán lẻ giúp doanh nghiệp tiếp cận người dùng ngay tại điểm bán, nơi họ có nhu cầu thực tế và sẵn sàng ra quyết định. Ví dụ, các ví điện tử như MoMo và ZaloPay đã từng hợp tác với các chuỗi cửa hàng tiện lợi để phát voucher khuyến mãi ngay tại quầy thanh toán, giúp thúc đẩy lượt tải ứng dụng và gia tăng đáng kể tỷ lệ sử dụng dịch vụ.
4. Growth Loop hay Linear Channel?
Cả Growth Loop và Linear Channel đều là những phương pháp hiệu quả để có thể thu hút người dùng, nhưng chúng khác biệt đáng kể về cơ chế hoạt động, khả năng mở rộng và mức độ bền vững. Nếu như Channel trong Acquisition là một khái niệm quen thuộc, với hơn 20 kênh tiềm năng để thu hút người dùng, thì Growth Loop vẫn còn là khái niệm khá mới ở Việt Nam.
Để hiểu rõ hơn về Growth Loop, bạn có thể tham khảo bài viết chi tiết tại đây
Nếu như Linear Channel giúp mở rộng nhanh chóng nhờ đầu tư vào các kênh có sẵn, thì Growth Loop lại tạo ra hiệu ứng lan truyền tự nhiên, giúp tăng trưởng theo cấp số nhân mà không phụ thuộc quá nhiều vào ngân sách.
Sau đây là bảng so sánh giữa Growth Loop và Linear Channel
Tiêu chí | Growth Loop | Channel trong Acquisition |
---|---|---|
Định nghĩa | Một vòng lặp khép kín, nơi mỗi người dùng mới có thể tạo ra nhiều người dùng khác, tạo ra tăng trưởng tự động. | Một kênh hoặc chiến lược cụ thể để thu hút người dùng mới, thường theo mô hình tuyến tính. |
Cơ chế hoạt động | Người dùng mới tham gia → tạo ra giá trị hoặc thu hút thêm người dùng → mở rộng tệp người dùng → tiếp tục vòng lặp. | Doanh nghiệp sử dụng ngân sách hoặc chiến lược cụ thể để thu hút người dùng, không có vòng lặp tự động. |
Mức độ bền vững | Cao – nếu được thiết kế tốt, Growth Loop có thể duy trì tăng trưởng mà không cần chi phí lớn. | Thấp hơn – hầu hết các kênh đều cần chi phí liên tục để duy trì hiệu quả. |
Tốc độ tăng trưởng | Ban đầu chậm nhưng có thể tăng trưởng theo cấp số nhân khi đạt đến điểm bùng phát. | Tăng trưởng nhanh chóng nhưng phụ thuộc vào ngân sách hoặc nguồn lực. |
Chi phí | Chi phí thấp hơn về lâu dài vì dựa vào cơ chế tự lan truyền. | Chi phí cao hơn vì phải duy trì đầu tư để có người dùng mới. |
Khả năng mở rộng | Cao – nếu Growth Loop hoạt động hiệu quả, nó có thể mở rộng không giới hạn. | Có giới hạn – cần ngân sách hoặc nguồn lực tăng dần để mở rộng. |
Dù Growth Loop có tiềm năng tạo ra sự tăng trưởng bền vững với chi phí thấp hơn, nhưng không phải mô hình sản phẩm nào cũng có thể áp dụng được. Việc xây dựng một Growth Loop hiệu quả đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa đội ngũ sản phẩm (Tech team) và marketing để đảm bảo vòng lặp có thể tự vận hành và mở rộng theo thời gian. Ngược lại, Linear Channel vẫn là một phương pháp phổ biến và dễ triển khai hơn, giúp doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận người dùng mới.
Thay vì chỉ chọn một trong hai phương pháp, doanh nghiệp nên kết hợp cả Growth Loop và Linear Channel để tận dụng điểm mạnh của từng chiến lược. Điều quan trọng là Growth Loop hay Linear Channe thì doanh nghiệp cần xác định được Core Loop hoặc Core Channel làm trụ cột tăng trưởng, sau đó tối ưu và mở rộng để đạt hiệu quả cao nhất.
5. Acquisition- Không chỉ là câu chuyện của giai đoạn đầu
Nhiều người thường nghĩ rằng Acquisition chỉ quan trọng trong giai đoạn đầu phát triển sản phẩm, đặc biệt với các startup. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Acquisition luôn là bài toán quan trọng ở mọi giai đoạn phát triển doanh nghiệp – và càng về sau, nó càng trở nên thách thức hơn khi quy mô mở rộng và mức độ cạnh tranh ngày càng cao. nên khó khăn hơn.
Acquisition trong giai đoạn đầu: Tập trung vào Product-Market Fit
Ở giai đoạn khởi đầu, ưu tiên lớn nhất của startup không phải là mở rộng thật nhanh, mà là tìm kiếm Product-Market Fit (PMF). Thay vì cố gắng thu hút một lượng lớn người dùng ngay từ đầu, các startup nên tập trung vào Early adopters – nhóm khách hàng có nhu cầu cao nhất và sẵn sàng thử nghiệm sản phẩm sớm.
Nhóm khách hàng này không chỉ giúp startup xác định giá trị cốt lõi của sản phẩm mà còn cung cấp phản hồi quan trọng để tối ưu hóa trải nghiệm, trước khi mở rộng ra thị trường lớn hơn. Một khi Product-Market Fit được xác lập, doanh nghiệp mới có thể tự tin đầu tư vào các chiến lược Acquisition ở quy mô lớn hơn.
Acquisition trong giai đoạn mở rộng: Tìm kiếm nguồn tăng trưởng mới
Khi sản phẩm và doanh nghiệp bước vào giai đoạn tăng trưởng và mở rộng, chiến lược Acquisition cũng cần được điều chỉnh để duy trì hiệu quả. Lúc này, bài toán không chỉ còn là thu hút thêm người dùng, mà là tìm ra những động lực tăng trưởng (source of growth) mới để mở rộng quy mô. Một số hướng đi quan trọng có thể kể đến:
- Mở rộng địa lý: Tiếp cận thị trường mới, mở rộng phạm vi khách hàng tiềm năng.
- Mở rộng phân khúc khách hàng: Điều chỉnh sản phẩm, thông điệp hoặc chiến lược tiếp cận để thu hút các nhóm đối tượng khác nhau (theo độ tuổi, ngành nghề, hành vi…).
- Mở rộng Use Case: Phát triển thêm tính năng, cải tiến sản phẩm để đáp ứng nhiều nhu cầu hơn, từ đó thu hút thêm tệp khách hàng mới.
Không có một công thức Acquisition nào có thể áp dụng cho mọi giai đoạn. Vậy nên các chiến lược Acquisition phải liên tục điều chỉnh dựa trên tình hình thị trường, đặc điểm khách hàng và giai đoạn phát triển của sản phẩm.
6. Kết bài
Trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, doanh nghiệp không thể chỉ dựa vào ngân sách để thúc đẩy Acquisition. Thay vào đó, chiến thắng thuộc về những ai hiểu khách hàng, tối ưu thông điệp, kênh tiếp cận và tạo ra giá trị thực sự. Một chiến lược Acquisition hiệu quả là sự kết hợp giữa sáng tạo, thử nghiệm và dữ liệu, giúp doanh nghiệp không chỉ thu hút mà còn giữ chân khách hàng theo cách bền vững nhất.
Acquisition không phải là điểm đến cuối cùng mà chỉ là bước khởi đầu trong hành trình của người dùng với sản phẩm. Để thật sự tạo ra tăng trưởng bền vững, doanh nghiệp cần có một chiến lược Growth toàn diện, trong đó Acquisition gắn kết chặt chẽ với Activation, Retention và Monetization. Khi tất cả các yếu tố này hoạt động hài hòa, doanh nghiệp không chỉ mở rộng quy mô mà còn gia tăng giá trị vòng đời của khách hàng.
—————————
Series bài viết về chủ đề Acquisition gồm có:
Part 1: Tổng quan về Acquisition – Hiểu rõ chiến lược thu hút người dùng và khách hàng.
Part 2: Growth Loop là gì? Tổng quan, ví dụ và những điều cần biết về Growth Loop
Part 3: Viral loop là gì? Giải thích, 2 ví dụ và công thức tính Viral loop
—————————
Đăng ký bản tin để không bỏ lỡ những tin tức, nội dung mới và hay nhất. Chúng tôi có những nội dung mới update hàng tuần.
———————
Tham gia kết nối với hơn 300+ thành viên giàu kinh nghiệm Growth Marketing để học hỏi, trao đổi ý tưởng và phát triển kỹ năng của bạn trong lĩnh vực này.
Passion in Growth, Marketing & Startup.
Founder @ Growth Marketing Vietnam