Product Market Fit là gì? 5 Dấu hiệu nhận biết và cách đạt được Product Market Fit

Trong quá trình phát triển của Startup, không thể thiếu cột mốc quan trọng Product Market Fit. Bởi vì không đạt được Product-Market Fit là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều Startup thất bại. Thống kê từ CB Insights cho thấy rằng 42% các startup thất bại vì không tìm thấy Product Market Fit.

Hãy cùng Growth Marketing Vietnam tìm hiểu về chủ đề Product Market Fit trong bài viết dưới đây nhé.

1. Product Market Fit là gì? 

Trên thế giới hiện nay cũng chưa có định nghĩa rõ ràng và thống nhất về khái niệm Product Market Fit là gì? tuy nhiên một trong các “định nghĩa” được biết đến rộng rãi nhất là của Marc Andreessen, Co-founder của Netscape và General Partner của Quỹ Andreessen Horowitz. 

Ông cho rằng: “Product Market Fit có nghĩa là sản phẩm đang ở trong thị trường tốt và có thể thỏa mãn thị trường đó”. 

Product/market fit means being in a good market with a product that can satisfy that market. 

Marc Andreessen

Còn Paul Graham, Co-founder và Partner của vườn ươm nổi tiếng Y-combinator thì mô tả một câu ngắn gọn và đơn giản: “ Product/market fit as making something that people want”

Product Market Fit là gì

Vậy có thể hiểu rằng: Product Market Fit là mức độ mà một sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực sự của thị trường. Đây là trạng thái mà sản phẩm đáp ứng và giải quyết một vấn đề cụ thể của khách hàng một cách hiệu quả, đủ để tạo ra sự hài lòng và thỏa mãn nhu cầu từ phía khách hàng. 

2. Dấu hiệu nhận biết Product-Market Fit

Xác định xem startup của bạn đã được Product-Market Fit (PMF) hay chưa không phải là điều dễ dàng và cũng không có công thức chung. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu nhận biết dưới đây mà bạn có thể tham khảo: 

2.1 Sự hài lòng của khách hàng:

Thu thập ý kiến phản hồi từ người dùng thực sự về sản phẩm. Các cuộc khảo sát, phỏng vấn, hoặc theo dõi thái độ sử dụng của họ có thể cung cấp thông tin quý giá về việc liệu sản phẩm có giải quyết được vấn đề của họ hay không. 

Nếu người dùng không ngần ngại đưa ra những phản hồi tích cực về sản phẩm, sẵn sàng chia sẻ trải nghiệm của mình, và đề nghị các tính năng bổ sung, điều này chứng tỏ rằng sản phẩm đang phục vụ một nhu cầu thực sự.

2.2 Retention rate: (Tỷ lệ giữ chân khách hàng):

Sự khẳng định về Product Market Fit thường đi kèm với việc khách hàng quay lại sử dụng sản phẩm một cách đều đặn. Nếu người dùng quay lại và sử dụng sản phẩm lần thứ hai, thứ ba và tiếp tục thì đây là dấu hiệu tích cực.   

Theo Sean Ellis – ”cha đẻ” của thuật ngữ Growth hacking, người sáng lập của https://growthhackers.com/ thì lấy ví dụ như sau: 

“ Tôi hỏi những người dùng hiện tại họ sẽ cảm thấy thế nào nếu không thể sử dụng sản phẩm nữa. Theo kinh nghiệm của tôi, để đạt được product/market fit yêu cầu ít nhất 40% người dùng nói họ sẽ “rất thất vọng” nếu không có sản phẩm của bạn” 

2.3 Sự tăng trưởng tự nhiên:

Một trong những dấu hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy bạn đang tiến gần đến Product-Market Fit (PMF) là khi sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn trải qua sự tăng trưởng tự nhiên mà không cần đến ngân sách tiếp thị lớn (Paid Marketing). Đây là dấu hiệu cho thấy sản phẩm có sức hút tự nhiên đối với khách hàng và đáp ứng được một nhu cầu cấp thiết của thị trường.

Bởi tăng trưởng tự nhiên thường xảy ra khi sản phẩm đáp ứng được một vấn đề mà người dùng đã và đang tìm kiếm giải pháp. Nếu khách hàng cảm thấy họ không thể thiếu sản phẩm trong cuộc sống hay công việc, điều này là một chỉ báo tốt về PMF.

2.4 Có sự truyền miệng (Word-of-mouth) và giới thiệu Referral

Nếu khách hàng đang chia sẻ tích cực về sản phẩm của bạn và giới thiệu nó cho người khác, điều này cho thấy sản phẩm đang tạo ra ảnh hưởng tích cực và có giá trị đối với họ. Bởi người dùng chỉ chia sẻ sản phẩm khi họ cảm thấy hài lòng với giá trị của sản phẩm đem lại, cũng như thực sự tin tưởng và cảm thấy yên tâm khi giới thiệu cho người khác.

Sam Altman, CEO of OpenAI cho rằng: 

Đặc trưng của Product-Market Fit là có đủ người dùng “yêu thích sản phẩm của bạn đến mức họ tự động khuyên người khác sử dụng nó”.

2.5. Có những khách hàng trả tiền (paid customer)

Chắc chắn hơn nữa là sự xuất hiện của khách hàng trả tiền (paid customers). Khi khách hàng chủ động đề nghị trả tiền để sử dụng sản phẩm của bạn, điều này không chỉ là một dấu hiệu cho thấy sản phẩm đang đáp ứng đúng nhu cầu của họ mà còn cho thấy giá trị thực sự mà sản phẩm mang lại và họ sẵn sàng trả tiền để được sử dụng hoặc sở hữu “giá trị” đó.

Nói một cách khác dễ hiểu hơn thì, Marc Andreessen cho rằng bằng cảm quan chúng ta cũng nhận biết được PMF:

“Dù không có định nghĩa rõ ràng, nhưng bạn luôn cảm nhận được nếu chưa đạt PMF. Đó là khi khách hàng không thực sự nhận được giá trị từ sản phẩm, họ không truyền miệng với nhau về bạn, lượng người dùng/ thời gian dùng sản phẩm tăng không nhanh, chu kỳ bán hàng kéo dài quá lâu và rất nhiều giao dịch khó hoàn tất.

Dấu hiện nhận biết Product Market Fit là gì?

Nguồn: blog của Marc Andreessen

Ngược lại, bạn sẽ biết ngay khi mình đã đạt Product Market Fit. Đó là khi khách hàng mua sản phẩm nhanh tới mức bạn chỉ vừa tạo ra là bán hết sản phẩm, lượng sử dụng tăng nhanh đến mức bạn phải lo về vấn đề server quá tải, doanh thu đột nhiên tăng đột biến, ngay lập tức, bạn gặp phải áp lực về khâu vận hành để đảm bảo hỗ trợ nhanh nhất có thể cho lượng người dùng lớn.”

3. Làm cách nào để đạt được Product Market Fit 

Để đạt được Product Market Fit (PMF) là một quá trình phức tạp và đòi hỏi sự thử nghiệm, điều chỉnh và tinh chỉnh liên tục. Hãy tham khảo khoảng thời gian tìm được Product Market Fit của các công ty Startup nổi tiếng dưới đây, có thể để đạt được thành công các công ty này cũng mất rất nhiều thời gian mới đạt được Product Market Fit.

Thời gian đạt Product Market Fit là gì?

Sau đây là một số bước gợi ý giúp startup của bạn sớm đạt được Product Market Fit

3.1 Nắm rõ nhu cầu của thị trường:

Điều đầu tiên và quan trọng nhất trong việc đạt Product Market Fit là phải hiểu rõ vấn đề mà sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn đang cố gắng giải quyết. Điều này đòi hỏi việc nghiên cứu sâu về đối tượng khách hàng và nhận diện các yếu tố thúc đẩy quyết định mua hàng của họ.

  • Khách hàng của bạn là ai?: Xác định rõ ràng chân dung khách hàng, bao gồm tuổi tác, giới tính, công việc, thói quen tiêu dùng và các khó khăn hoặc mong muốn mà họ đang gặp phải.
  • Nhu cầu và mong muốn của khách hàng: Tiến hành các khảo sát, phỏng vấn hoặc nghiên cứu thị trường để xác định rõ nhu cầu cốt lõi của khách hàng. Điều này giúp bạn tập trung vào việc tạo ra giá trị thực sự, thay vì tập trung vào các tính năng không cần thiết.

3.2 Xây dựng MVP (Minimum Viable Product) :

Phát triển MVP là một bước đi quan trọng để giảm rủi ro và tiết kiệm thời gian cũng như chi phí. MVP là phiên bản cơ bản nhất của sản phẩm, bao gồm các tính năng tối thiểu để giải quyết vấn đề chính cho người dùng và cho phép bạn thu thập phản hồi từ người dùng một cách nhanh chóng.

  • Lợi ích của MVP: Giúp giảm thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, nhanh chóng thu thập dữ liệu từ người dùng thực tế, từ đó bạn có thể điều chỉnh sản phẩm theo nhu cầu thực tế của thị trường.
  • Lựa chọn tính năng cốt lõi: Xác định các tính năng quan trọng nhất mà khách hàng cần và bắt đầu với những gì đơn giản nhất. Đừng cố gắng xây dựng một sản phẩm hoàn chỉnh ngay từ đầu; thay vào đó, hãy bắt đầu từ những gì cần thiết để chứng minh giá trị của sản phẩm.

3.3 Thu thập phản hồi (feedback):

Phản hồi từ người dùng là thông tin quý giá giúp bạn hiểu về cách sản phẩm đang được đón nhận và những vấn đề cần cải thiện. Việc này đòi hỏi các startup phải xây dựng một quy trình để thu thập phản hồi một cách liên tục và có hệ thống.

Các phương pháp thu thập phản hồi: Sử dụng các cuộc khảo sát, phản hồi qua email, gặp gỡ trực tiếp, hoặc thậm chí theo dõi hành vi người dùng thông qua các công cụ phân tích như Google Analytics, Mixpanel…

3.4 Phân tích và điều chỉnh (Pivot):

Dựa trên phản hồi mà bạn nhận được, thực hiện các điều chỉnh cần thiết vào sản phẩm hoặc chiến lược kinh doanh. Điều này có thể là việc cải thiện tính năng, điều chỉnh giá cả, hoặc thậm chí là việc thay đổi mô hình kinh doanh.

Việc đạt được Product Market Fit không phải lúc nào cũng dễ dàng và đòi hỏi sự kiên nhẫn, linh hoạt và khả năng học hỏi từ phản hồi của thị trường sau đây là một vài tips (lời khuyên) dành cho bạn: 

– Tập trung vào người dùng: Hãy liên tục theo đuổi việc cải thiện sản phẩm dựa trên thông tin từ người dùng. Sự tập trung vào trải nghiệm của họ và việc giải quyết vấn đề của họ sẽ giúp bạn tiếp tục tinh chỉnh sản phẩm để phù hợp hơn với thị trường.

– Theo dõi các metrics/traction quan trọng:  Sử dụng các chỉ số như retention rate, sự tăng trưởng người dùng, hoặc thông tin về lợi nhuận để đánh giá liệu sản phẩm của bạn đã đạt được Product Market Fit chưa và nếu cần thiết, điều chỉnh chiến lược của bạn.

– Chấp nhận thay đổi: Product Market Fit không phải là điều dễ dàng đạt được và có thể đòi hỏi sự điều chỉnh liên tục. Đôi khi, việc phải thay đổi chiến lược hoặc thậm chí là hướng đi cơ bản của sản phẩm có thể là điều cần thiết.

4. Kết bài: 

Trước khi nghĩ đến câu chuyện Scale up, hãy đảm bảo chắc chắn Startup đã hiểu được Product Market là gì và đạt được Product Market Fit của riêng mình hay chưa. Bởi vì Product-Market Fit là nền tảng cần thiết để xác định hướng đi chính xác . Điều này không chỉ giúp startup tránh được nguy cơ đi sai đường và lãng phí nguồn lực mà còn tạo cơ hội  tăng trưởng bền vững khi bước vào giai đoạn mở rộng đầy thách thức.

———————-

Đăng ký bản tin để không bỏ lỡ những tin tức, nội dung mới và hay nhất. Chúng tôi có những nội dung mới update hàng tuần.

—————————–

Tham gia kết nối với hơn 300+ thành viên giàu kinh nghiệm Growth Marketing để học hỏi, trao đổi ý tưởng và phát triển kỹ năng của bạn trong lĩnh vực này.

1 thoughts on “Product Market Fit là gì? 5 Dấu hiệu nhận biết và cách đạt được Product Market Fit

  1. Pingback: Growth Marketing là gì? Tổng quan kiến thức về Growth Marketing

Comments are closed.