Một trong các chỉ số phản ánh mức độ Retention gắn bó của người dùng với sản phẩm là DAU, MAU. Vậy các chỉ số DAU là gì, MAU là gì và cách tính chúng như thế nào, chúng ta hãy cùng Growth Marketing Vietnam tìm hiểu nhé.
1. DAU (Daily Active Users) là gì? MAU (Monthly Active Users) là gì?
Daily Active Users tạm dịch là Người dùng hoạt động hàng ngày (DAU) là thuật ngữ chỉ tổng số người dùng có “hoạt động” với sản phẩm trong một ngày cụ thể.
Tương tự Monthly Active Users tạm dịch là Người dùng hoạt động hàng tháng (MAU) là thuật ngữ chỉ tổng số người dùng có “hoạt động” với sản phẩm trong một tháng cụ thể.
Tuy nhiên, định nghĩa “active” (hoạt động) có thể khác nhau giữa các sản phẩm và doanh nghiệp khác nhau. Ví dụ, một số công ty định nghĩa người dùng hoạt động là bất kỳ ai đăng nhập, trong khi các công ty khác có thể yêu cầu người dùng phải thực hiện các hành động cụ thể như xem một video, gửi tin nhắn, hoặc hoàn thành một giao dịch.
Ví dụ, nếu một ứng dụng có 100.000 MAU trong tháng 10, điều này có nghĩa là có 100.000 người dùng đã sử dụng hoặc tương tác với ứng dụng đó trong tháng 10.
Ví dụ về MAU ở các công ty công nghệ. Nguồn Techloy
Để đo lường các chỉ số DAU và MAU, các công cụ phân tích như Google Analytics, Mixpanel, Amplitude, và Firebase thường được sử dụng. Những công cụ này cung cấp dữ liệu chi tiết về hành vi người dùng, cho phép doanh nghiệp có cái nhìn sâu sắc về các hoạt động của người dùng với sản phẩm. Thông qua các báo cáo từ các công cụ này, doanh nghiệp có thể thấy rõ thời điểm người dùng hoạt động, tính năng nào được yêu thích nhất, và nguyên nhân nào dẫn đến việc người dùng rời bỏ.
2. Tỉ lệ DAU/MAU là gì?
Đây là tỷ lệ giữa số người dùng hàng ngày (DAU – Daily Active Users) và số người dùng hàng tháng (MAU – Monthly Active Users) đo lường mức độ gắn bó và tương tác của người dùng với sản phẩm
Công thức tính DAU/MAU là : DAU/MAU *100%
Tỷ lệ DAU/MAU cung cấp cái nhìn về mức độ hấp dẫn và tính liên tục của người dùng đối với nền tảng hoặc ứng dụng trong suốt một tháng. Nếu DAU/MAU cao, điều này cho thấy có một tỉ lệ lớn người dùng quay lại và sử dụng nền tảng mỗi ngày, điều này có thể cho thấy tính chất hấp dẫn và sự trung thành của người dùng.
Ví dụ: Giả sử một ứng dụng di động có 100.000 người dùng hàng tháng (MAU – Monthly Active Users). Trong khoảng thời gian cụ thể, số người dùng hàng ngày (DAU – Daily Active Users) của ứng dụng đó là 30.000 người.
Áp dụng vào công thức DAU/MAU:
DAU/MAU=30,000/100.000×100%=30%
Trong trường hợp này, tỷ lệ DAU/MAU là 30%. Điều này có nghĩa là trong tháng, khoảng 30% tổng số người dùng hàng tháng sử dụng ứng dụng hàng ngày
DAU/MAU bao nhiêu là tốt?
Theo quỹ đầu tư mạo hiểm Sequoia, một tỷ lệ DAU/MAU trung bình khoảng 20% được xem là một mức độ tương tác khá tích cực. Từ 20% đến 50% được đánh giá là tốt, và khi tỷ lệ nằm trong khoảng này, nó thường chứng tỏ rằng một lượng lớn người dùng đang sử dụng sản phẩm hàng ngày, một cách tích cực.
Nếu tỷ lệ DAU/MAU vượt qua mức 50%, đây được xem là rất tốt. Điều này thường chỉ ra rằng sản phẩm hoặc dịch vụ đang thu hút và giữ chân một lượng lớn người dùng hàng tháng và hàng ngày. Sự tương tác cao như vậy có thể được coi là một dấu hiệu tích cực về giá trị của sản phẩm và khả năng giữ chân người dùng.
3. Ý nghĩa của chỉ số DAU và MAU
3.1. Đo lường mức độ gắn kết của người dùng
DAU và MAU là một thước đo trực tiếp về sự gắn kết của người dùng với sản phẩm. Số lượng người dùng hoạt động cao cho thấy sản phẩm có giá trị hàng ngày với người dùng. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các nền tảng mạng xã hội, các ứng dụng giải trí và game. Người dùng càng quay lại nhiều lần mỗi ngày thì chứng tỏ sản phẩm có sức hút mạnh mẽ, mang lại nhiều giá trị với người dùng.
3.2. Đóng vai trò như chỉ số sức khoẻ của sản phẩm
DAU và MAU là các chỉ số giúp đánh giá sức khỏe của sản phẩm, đặc biệt là ở giai đoạn tăng trưởng và mở rộng quy mô. Khi DAU duy trì ổn định hoặc tăng trưởng, đó là dấu hiệu cho thấy sản phẩm đang được người dùng đón nhận tốt. Ngược lại, nếu DAU giảm đột ngột, có thể sản phẩm đang gặp phải một vấn đề nào đó khiến người dùng không còn hứng thú quay lại.
3. Mối quan hệ giữa DAU, MAU và Retention Rate
DAU, MAU có liên hệ mật thiết với tỷ lệ giữ chân người dùng (Retention Rate). Một DAU cao ổn định thường đi kèm với Retention Rate tốt, nghĩa là người dùng quay lại sản phẩm hàng ngày và duy trì thói quen sử dụng sản phẩm lâu dài. Đây là một trong những mục tiêu chính của nhiều công ty công nghệ, bởi vì một Retention Rate cao giúp tối ưu hóa chi phí quảng cáo và tăng trưởng tự nhiên.
4. Kết Luận
DAU và MAU đóng vai trò quan trọng trong việc đo lường và đánh giá hiệu suất, tính hấp dẫn của các sản phẩm công nghệ. Sự hiểu biết và sử dụng thông tin từ hai chỉ số này có thể giúp tối ưu hóa trải nghiệm người dùng và phát triển nền tảng một cách hiệu quả hơn.
——————————-
Đăng ký bản tin để không bỏ lỡ những tin tức, nội dung mới và hay nhất. Chúng tôi có những nội dung mới update hàng tuần.
—————————–
Tham gia kết nối với hơn 300+ thành viên giàu kinh nghiệm Growth Marketing để học hỏi, trao đổi ý tưởng và phát triển kỹ năng của bạn trong lĩnh vực này.
Growth Marketing Vietnam
Comments are closed.