[Canva] Chiến lược tăng trưởng nào giúp Canva đạt hơn 60 triệu người dùng? (Bài phân tích dài hơn 7000 từ với gần 40 phút đọc)

Canva là một trong những Startup công nghệ thành công tiêu biểu trong thời gian gần đây, với việc cung cấp một nền tảng thiết kế đồ họa trực tuyến giúp hàng chục triệu người dùng không chuyên có thể dễ dàng tạo ra các sản phẩm thiết kế chất lượng cao.

Trong vòng chưa đầy 7 năm, Canva đã có hơn 15 triệu người dùng, 300.000 khách hàng trả tiền và được định giá 3,2 tỷ đô la (USD) sau khi kết thúc vòng gọi vốn 125 triệu đô la (USD). Đến năm 2023, con số người dùng của Canva đã đạt mốc 60 triệu người dùng. 

Vậy làm thế nào để một công ty startup nhỏ bé đến từ Australia có thể nhanh chóng bùng nổ và thu hút hàng chục triệu người dùng trên toàn cầu? Bài viết dưới đây của Growth Marketing Vietnam sẽ phân tích những bước đi chiến lược mà Canva đã áp dụng để tăng trưởng trong từng giai đoạn.

1. Bối cảnh ra đời

Canva được ra đời trong bối cảnh mà thị trường phần mềm thiết kế đồ họa vốn do các “ông lớn” như Adobe thống trị với các công cụ như Photoshop và Illustrator. Tuy nhiên các công cụ này dù rất mạnh mẽ, lại có độ phức tạp cao và yêu cầu người dùng phải có kiến thức chuyên môn vững vàng. Điều đó đã gây ra nhiều khó khăn cho những người dùng phổ thông, không chuyên nhưng vẫn mong muốn tạo ra thiết kế đẹp và chuyên nghiệp.

Melanie Perkins, đồng sáng lập và CEO của Canva, nhận thấy rõ ràng khoảng trống này trong thị trường khi cô còn là giảng viên dạy thiết kế đồ họa tại trường đại học. Các sinh viên của cô gặp khó khăn trong việc sử dụng các phần mềm thiết kế phức tạp. Chính từ nhu cầu đó, Perkins và đội ngũ của mình quyết định tạo ra một công cụ thiết kế đơn giản, dễ sử dụng dành cho tất cả mọi người.

Điều này được thể hiện rõ trong bản Pitch Deck năm 2013 của Canva. Bạn đọc có thể tham khảo Pitch Deck này ở đây.

Để kiểm định giả thiết về “pain point” của thị trường, Perkins đã thử nghiệm ý tưởng của mình với Fusion Books, một nền tảng cho phép học sinh và giáo viên tạo kỷ yếu trường học trực tuyến. Fusion Books giúp xác nhận nhu cầu về một công cụ thiết kế dễ sử dụng và đặt nền móng cho Canva sau này.

Fusion Books cho phép Perkins học hỏi cách phát triển một nền tảng phần mềm, cách quản lý sản phẩm, và quan trọng hơn là cách tiếp cận người dùng. Sự thành công bước đầu của Fusion Books đã củng cố thêm niềm tin rằng ý tưởng về một nền tảng thiết kế đơn giản, phục vụ đại chúng là khả thi. 

Sau thành công bước đầu với Fusion Books, Perkins quyết định mở rộng ý tưởng này thành một nền tảng lớn hơn với tham vọng cho phép bất kỳ ai, từ doanh nhân, giáo viên đến sinh viên, có thể tự tay tạo ra các thiết kế chuyên nghiệp. Tuy nhiên, khi đi tìm kiếm nguồn vốn đầu tư, cô đã gặp không ít khó khăn.

Melanie và Cliff (bạn trai và cũng là đồng sáng lập Canva) đã dành nhiều năm để gọi vốn, nhưng liên tục bị các nhà đầu tư từ chối. Các nhà đầu tư ban đầu tỏ ra hoài nghi về khả năng mở rộng quy mô của ý tưởng này, cho rằng thị trường đã bão hòa với những phần mềm đồ họa lớn như Adobe.

Năm 2010, cơ hội đến khi Perkins gặp Bill Tai, một nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng ở Silicon Valley, trong một sự kiện về công nghệ tại Perth (Úc). Bill Tai nhìn thấy tiềm năng lớn trong ý tưởng của Perkins và giới thiệu cô với các nhà đầu tư và cố vấn khác như Cameron Adams – một kỹ sư tài năng từng làm việc tại Google. Cameron sau đó trở thành đồng sáng lập thứ ba của Canva, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền tảng công nghệ cho Canva.

Vào ngày 28 tháng 6 năm 2012, Melanie, Cliff và Cameron đã chính thức thành lập Canva và gọi vốn thành công 3 triệu đô la ở vòng Seed Round để bắt đầu hành trình thay đổi cách thế giới thiết kế và tạo nên một Startup tỷ đô ngày nay.

2. Chiến lược tăng trưởng giai đoạn đầu (Early Growth)

2.1 Bắt đầu từ một thị trường ngách, tập trung vào một Use Case cụ thể

Tầm nhìn và tham vọng của Canva là rất lớn, tuy nhiên trong giai đoạn Early Stage ban đầu, Canva đã lựa chọn chiến lược thị trường ngách, tập trung ở một phân khúc khách hàng cụ thể trước khi mở rộng phạm vi người dùng mục tiêu. Đó là những social media marketer, nhà kinh doanh online nhỏ, những người có nhu cầu thường xuyên tạo hình ảnh, banner, poster quảng cáo cho sản phẩm nhưng họ gặp khó khăn với các công cụ thiết kế phức tạp.

Điều đáng chú ý là Canva đã tập trung tối ưu và giải quyết tốt vấn đề cho một Use Case cụ thể, thường xuyên xảy ra nhất của nhóm người dùng này. Đó là tạo nội dung hình ảnh của bài post trên nền tảng Facebook. Nên nhớ thời điểm những năm 2013-2015 là thời kì bùng nổ của việc kinh doanh online trên Facebook, nhu cầu tạo được hình ảnh vừa đẹp vừa nhanh để bán hàng là rất lớn.

Canva đã tinh chỉnh sản phẩm của mình sao cho phù hợp nhất với Use Case này bằng cách phát triển các template có sẵn, định dạng hình ảnh chuẩn cho Facebook giúp người dùng dễ dàng sử dụng và tiết kiệm thời gian. Ví dụ như:

  • Kích thước ảnh chuẩn: Canva cung cấp các tùy chọn kích thước sẵn có cho các bài đăng trên mạng xã hội như ảnh bìa, ảnh bài post hay ảnh avatar Facebook.
  • Tính năng kéo thả (drag-and-drop): Canva tối giản hóa quy trình thiết kế với giao diện kéo-thả dễ sử dụng với người dùng không có chuyên môn thiết kế.
  • Templates có sẵn: Canva tạo ra sẵn cho người dùng hàng nghìn mẫu thiết kế sẵn từ đơn giản đến phức tạp. Điều này cực kỳ hữu ích giúp những người không chuyên có thể tham khảo ý tưởng và tạo ra nội dung nhanh chóng, liên tục.

Không chỉ vậy Canva còn cho phép người dùng kết nối và tích hợp với tài khoản Facebook Page để có thể nhanh chóng xuất bản một thiết kế lên mạng xã hội. Canva đã tận dụng tối đa Facebook để tạo thành kênh phân phối hiệu quả, làm cho việc chia sẻ thiết kế trên nền tảng này trở nên cực kỳ đơn giản với trải nghiệm liền mạch chỉ cần với một cú nhấp chuột.

2.2 Word of mouth và Viral Growth là chìa khoá tăng trưởng

Để bất kỳ một sản phẩm công nghệ nào vươn tới được con số hàng chục triệu người dùng thì không thể thiếu được yếu tố lan truyền tự nhiên và với Canva cũng vậy. Ngay từ thời kỳ ban đầu Early Growth, Canva đã chú trọng tạo ra sự truyền miệng Word-of-Mouth và Viral Growth từ những người dùng hiện có để giúp sản phẩm lan rộng mà không tốn nhiều chi phí marketing.

Melanie Perkins, CEO của Canva, đã nhắc đến nhiều lần trong một số bài phỏng vấn rằng việc người dùng chia sẻ tự nhiên đến những người xung quanh đóng vai trò rất quan trọng trong việc Canva có thể đạt được tăng trưởng người dùng mạnh mẽ trong giai đoạn đầu phát triển.

“From day one, we’ve focused on building a product that solves a real problem, and that people would want to talk about and share with their network. The fact that people are sharing Canva with their friends, teams, and colleagues has been a major driver of our growth.”

Vậy làm cách nào để Canva “chủ động” tạo ra được sự lan truyền này?

Xây dựng sản phẩm có tính lan truyền cao.

Một trong những chìa khóa thành công của Canva trong việc thúc đẩy viral growth chính là sản phẩm của họ. Canva được tạo nên để dễ sử dụng với giao diện kéo-thả, làm cho bất kỳ ai, ngay cả những người không có kiến thức về thiết kế, cũng có thể tạo ra những hình ảnh chuyên nghiệp.

Khi một người dùng tạo ra một thiết kế mà họ hài lòng, họ có xu hướng muốn chia sẻ nó với bạn bè, đồng nghiệp hoặc đăng tải trên mạng xã hội. Điều này kích thích động lực chia sẻ tự nhiên bởi vì người dùng muốn khoe thành quả sáng tạo của mình, và cũng là để nhận được sự công nhận từ người khác. Đây là hành vi tự nhiên của người dùng mà Canva đã khai thác rất hiệu quả.

Viral Loop của Canva

Khi một người dùng tạo ra thiết kế bằng Canva và chia sẻ nó lên các nền tảng mảng xã hội như Facebook, Instagram… từ đó giúp Canva tiếp cận đến nhiều người hơn. Những người khác sẽ tò mò và hỏi họ về công cụ thiết kế, rồi đăng ký tài khoản để trải nghiệm thử việc tự thiết kế. Quá trình này tạo ra một chu kỳ mới, với những người dùng mới tiếp tục chia sẻ và giới thiệu Canva, từ đó tạo thành vòng lặp Viral Loop không ngừng.

Khả năng chia sẻ thiết kế dễ dàng

Một trong những yếu tố tạo ra tính lan truyền mạnh mẽ cho Canva chính là khả năng chia sẻ thiết kế dễ dàng. Canva đã tối ưu hóa sản phẩm của mình để cho phép người dùng chia sẻ trực tiếp các thiết kế lên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter, Pinterest, LinkedIn, và nhiều nền tảng khác mà không cần phải tải thiết kế về máy tính rồi mới đăng tải. Chỉ với vài cú nhấp chuột, người dùng có thể công khai sản phẩm thiết kế của mình lên các nền tảng này, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lan truyền.

Canva cung cấp tính năng “shareable link” (liên kết chia sẻ), cho phép người dùng chia sẻ thiết kế với một liên kết duy nhất. Liên kết này có thể gửi qua email, tin nhắn, hoặc các nền tảng trò chuyện khác như WhatsApp, Slack hay Messenger. Khi người nhận nhấp vào liên kết, họ có thể xem hoặc chỉnh sửa thiết kế tùy theo quyền mà người gửi cài đặt. Đây là một tính năng cực kỳ hữu ích, đặc biệt trong các tình huống hợp tác nhóm hoặc chia sẻ nhanh chóng.

Với tính năng này, Canva không chỉ giúp người dùng dễ dàng lan truyền thiết kế của mình mà còn mở rộng tầm ảnh hưởng đến những người nhận liên kết, từ đó có thể thúc đẩy người dùng mới đăng ký tài khoản Canva.

Tích hợp tính năng cộng tác

Tính năng cộng tác (collaboration feature) của Canva cũng là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy viral growth. Canva đã nhận ra rằng việc thiết kế không chỉ là công việc của một cá nhân mà thường là sự hợp tác giữa nhiều người trong một nhóm. Họ đã tích hợp tính năng cộng tác cho phép nhiều người dùng cùng tham gia chỉnh sửa và thiết kế trên cùng một dự án. Điều này không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình làm việc mà còn tạo ra cơ hội lan truyền sản phẩm mạnh mẽ.

Bởi vì như vậy đòi hỏi người dùng phải mời những người khác tham gia một cách rất tự nhiên. Khi một người dùng tạo ra một dự án thiết kế, họ có thể mời bạn bè, đồng nghiệp hoặc khách hàng cùng tham gia chỉnh sửa hoặc góp ý. Điều này không chỉ giúp tăng cường hiệu quả làm việc mà còn giới thiệu Canva đến với nhiều người dùng mới mà không cần bất kỳ chi phí quảng cáo nào.

2.3. Tận dụng thời điểm các dịp, sự kiện đặc biệt

Trong giai đoạn Early Growth, Canva đã tận dụng các chiến dịch theo mùa (seasonal) để thu hút người dùng mới và khuyến khích người dùng hiện tại tiếp tục sử dụng sản phẩm của họ. Đây là một chiến lược hiệu quả trong việc xây dựng cơ sở người dùng ban đầu và đẩy mạnh sự lan truyền tự nhiên (word-of-mouth). Một trong những chiến dịch theo mùa nổi bật nhất trong giai đoạn này là chiến dịch thiệp Giáng sinh khi Canva mới ra mắt thị trường.

Mẫu thiệp và giao diện Canva năm 2013

Trong chiến dịch này, Canva hợp tác với nhiều nghệ sĩ để tạo ra hơn 30 mẫu thiệp kỹ thuật số. Những mẫu thiệp này được phân phối chủ yếu qua Facebook và email, và mọi người sau khi tạo thiết kế thiệp trên Canva sẵn sàng chia sẻ với bạn bè hoặc gia đình của họ. Điều này không chỉ tạo ra sự tương tác tự nhiên mà còn khuyến khích người dùng mới tham gia, nhờ tính lan tỏa của việc chia sẻ thiết kế.

Ngoài các dịp lễ hội truyền thống, Canva còn tận dụng các sự kiện thương mại lớn như Black Friday, Cyber Monday và các dịp giảm giá khác để cung cấp các mẫu thiết kế phù hợp cho các doanh nghiệp nhỏ. Các sự kiện thương mại này thường gắn liền với nhu cầu thiết kế banner quảng cáo, poster, và nội dung marketing số để thúc đẩy bán hàng. Vì vậy Canva đã cung cấp các mẫu quảng cáo và banner miễn phí để các doanh nghiệp nhỏ và cá nhân có thể nhanh chóng thiết kế và sử dụng cho các campaign marketing của mình.

Hơn thế nữa, Canva còn khai thác các sự kiện toàn cầu để phát triển cộng đồng người dùng. Các sự kiện như Olympic, World Cup, hoặc những dịp đặc biệt khác đều là cơ hội để Canva tạo ra các bộ sưu tập mẫu thiết kế theo chủ đề sự kiện, từ đó thu hút sự chú ý của người dùng.

Ví dụ như khi Olympic 2016 diễn ra, Canva đã tung ra một loạt các mẫu thiết kế infographic, poster, và nội dung social media theo chủ đề Olympic, phục vụ cho cả người dùng cá nhân lẫn doanh nghiệp muốn cập nhật nội dung nhanh chóng. Điều này giúp Canva thu hút một lượng lớn người dùng đam mê thể thao hoặc những doanh nghiệp cần nội dung liên quan đến sự kiện này.

Trong giai đoạn tăng trưởng sau này, Canva đã mở rộng quy mô và thị trường, việc sử dụng các sự kiện thương mại và sự kiện toàn cầu không còn là yếu tố chiến lược chủ chốt. Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển ban đầu, Canva đã tận dụng mạnh mẽ các sự kiện như Black Friday, Cyber Monday, World Cup và Olympic để nhanh chóng tăng trưởng người dùng.

2.4 Chiến lược Freemium phá vỡ rào cản thu hút người dùng

Khi lựa chọn Monetization model, Canva đã áp dụng mô hình Freemium với một chiến lược rất hiệu quả: cung cấp gần như miễn phí toàn bộ tính năng thiết yếu để thu hút số lượng người dùng lớn nhất có thể.

Freemium đã trở thành vũ khí mạnh mẽ cho Canva để giải quyết vấn đề rào cản chi phí. Canva cho phép người dùng sử dụng nền tảng thiết kế hoàn toàn miễn phí mà không có bất kỳ yêu cầu thanh toán nào, giúp người dùng dễ dàng trải nghiệm sản phẩm ngay lập tức. Dù là một phiên bản miễn phí nhưng Canva cung cấp sản phẩm chất lượng, trải nghiệm người dùng tốt, tạo nên sức hút lớn khiến người dùng dễ dàng quyết định đăng ký tài khoản.

Ngoài ra, Canva đã biết tận dụng sức mạnh của viral growth qua sản phẩm bằng cách để lại watermark tên thương hiệu ở trên các sản phẩm thiết kế của người dùng miễn phí, tạo điều kiện cho người xem biết đến nguồn gốc của các thiết kế đó. Điều này đã tạo ra một sự lan tỏa tự nhiên khi người dùng chia sẻ các thiết kế của họ trên mạng xã hội hoặc các nền tảng trực tuyến khác. Mỗi thiết kế có gắn watermark “Canva” là một lần quảng cáo miễn phí cho chính họ.

Ví dụ về Watermark Canva

Có thể thấy, Canva đã biết tận dụng và cân bằng giá trị giữa việc cung cấp tính năng chất lượng cao một cách miễn phí để nhận lấy sự lan truyền tự nhiên từ phía người dùng.

3. Chiến lược tăng trưởng giai đoạn Scale Growth

3.1. Product Led Growth – xây dựng thói quen trước, thu phí sau

Với mô hình Freemium, Canva tận dụng sức mạnh của việc cung cấp trải nghiệm miễn phí chất lượng cao để thu hút và giữ chân người dùng, từ đó chuyển đổi thành khách hàng trả phí khi ngườ dùng đã nhìn thấy giá trị của sản phẩm và hình thành thói quen sử dụng sản phẩm.

Canva để người dùng tự khám phá và trải qua khoảnh khắc Aha moment và xây dựng thói quen sử dụng sản phẩm (Habit moment) thông qua các lần tương tác thường xuyên. Càng sử dụng nhiều, người dùng càng khám phá ra các tính năng nâng cao mà họ có thể cần trong tương lai, làm tăng khả năng chuyển đổi sang gói trả phí.

Theo Anshul Patel, Product Growth Lead tại Canva, việc để người dùng trải nghiệm sản phẩm nhiều lần trước khi giới hạn tính năng giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi (conversion rate) và giảm tỷ lệ rời bỏ (churn rate). Khi người dùng đã đầu tư thời gian và công sức vào Canva, họ sẽ có động lực lớn hơn để nâng cấp gói trả phí thay vì rời bỏ nền tảng.

Điểm quan trọng đầu tiên của chiến lược này là quá trình Onboarding làm sao để giúp người dùng nhanh chóng thấy được giá trị của sản phẩm một cách trực quan và đơn giản, dẫn đắt người dùng đến khoảnh khắc Aha moment.

Sau khi đăng ký tài khoản, Canva đặt ra vài câu hỏi cơ bản để hiểu rõ hơn về mục tiêu sử dụng và từ đó cá nhân hóa trải nghiệm của người dùng. Điều này giúp Canva phân loại người dùng ngay từ đầu và cung cấp cho họ những tài nguyên và mẫu thiết kế phù hợp để tùy chỉnh trải nghiệm với mục tiêu của người dùng.

Việc cung cấp giao diện kéo-thả trực quan, cùng kho mẫu đa dạng, giúp người dùng dễ dàng tạo ra sản phẩm đầu tiên chỉ trong vài phút. Đây là một yếu tố quan trọng giúp người dùng có trải nghiệm tích cực và nhanh chóng nhận ra giá trị của sản phẩm.

Điểm thứ 2 là chiến lược của Canva rất khéo léo trong việc đặt paywall (các rào cản yêu cầu trả phí). Thay vì áp đặt rào cản sớm, Canva để người dùng tự nhiên chạm đến paywall khi họ đã bắt đầu quen thuộc và cảm thấy không thể thay thế sản phẩm trong quá trình làm việc. Từ đó tạo điều kiện cho người dùng trải nghiệm đủ lâu để sản phẩm trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hoặc công việc của họ.

Cụ thể Canva cài đặt paywall trên các tính năng cao cấp mà người dùng sẽ gặp phải khi nhu cầu của họ tăng lên, chẳng hạn như:

  • Mẫu thiết kế chuyên nghiệp (premium templates): Một phần lớn các mẫu thiết kế của Canva là miễn phí, nhưng để truy cập các mẫu cao cấp có chất lượng và sáng tạo hơn, người dùng cần nâng cấp lên gói trả phí.
  • Kho ảnh chất lượng cao: Canva cung cấp một thư viện ảnh phong phú, nhưng những hình ảnh cao cấp hơn yêu cầu người dùng trả tiền, hoặc qua việc mua ảnh lẻ hoặc nâng cấp lên gói Canva Pro.
  • Tính năng cộng tác và quản lý thương hiệu: Với người dùng cá nhân, Canva cung cấp các công cụ cơ bản, nhưng khi người dùng cần cộng tác với đội nhóm hoặc xây dựng thư viện hướng dẫn thương hiệu (brand kits), họ cần phải trả phí để sử dụng các tính năng này. Tính năng này đặc biệt hữu ích với các doanh nghiệp hoặc đội nhóm marketing cần duy trì sự đồng bộ về mặt thương hiệu trong các thiết kế.

3.2. Chiến lược SEO xuất sắc đem về hơn 270 triệu lượt truy cập trên năm

Thật thiếu sót nếu không nhắc đến chiến lược về SEO của Canva bởi đây là kênh marketing rất quan trọng và rất thành công đối với Canva. Chúng ta có thể học hỏi được nhiều từ cách Canva làm SEO như thế nào.

Canva đã xây dựng một chiến lược SEO xuất sắc thông qua việc tận dụng các content directories (danh mục nội dung) và từ khóa đuôi dài (long tail keywords), giúp Canva không chỉ thu hút người dùng mà còn củng cố thứ hạng tìm kiếm tự nhiên một cách hiệu quả. Một trong những yếu tố thành công lớn nhất trong chiến lược này là cách Canva sử dụng cấu trúc trang web để tối ưu hóa trải nghiệm người dùng lẫn SEO, cụ thể là thông qua hai loại trang chính: Trang Tạo Nội Dung (Create) và Trang Khám Phá (Template).

3.2.1. Tối ưu hóa cấu trúc trang web dựa trên ý định người dùng

Một trong những điểm nổi bật của Canva là cấu trúc trang web mà họ áp dụng, được chia ra rõ ràng giữa hai mục tiêu: tạo nội dung và khám phá nội dung cho cùng 1 từ khoá. Điều này không chỉ cung cấp một trải nghiệm liền mạch cho người dùng mà còn tối ưu hóa SEO một cách tự nhiên.

Cấu trúc web Canva
Nguồn: Foundation

Trang tạo nội dung (Create Pages)

Canva đã xây dựng các trang đích tập trung vào việc giúp người dùng trực tiếp tạo nội dung theo nhu cầu cụ thể của họ, ví dụ như “tạo infographic” hay “tạo poster”. Mỗi trang này đều được tối ưu hóa cho các từ khóa mang tính chất hành động, giúp tăng cường khả năng xuất hiện trong các tìm kiếm có ý định giao dịch (transactional queries). Khi người dùng tìm kiếm các từ khóa như “tạo infographic miễn phí” hay “tạo thiệp mời online”, những trang này của Canva có khả năng xếp hạng cao nhờ vào sự tối ưu hóa SEO chặt chẽ.

Các trang đích này được thiết kế để không chỉ mang lại giá trị tức thì cho người dùng (bằng cách cho phép họ trực tiếp tạo sản phẩm mong muốn) mà còn làm tăng thời gian lưu lại trên trang, một yếu tố quan trọng trong xếp hạng SEO. Nhờ vào điều này, Canva không chỉ thu hút nhiều người dùng tự nhiên mà còn tăng tỷ lệ chuyển đổi người dùng trở thành khách hàng thực sự.

Trang khám phá nội dung (Template Pages)

Trang khám phá nội dung, hay còn gọi là Template Pages, đóng vai trò giới thiệu các mẫu thiết kế có sẵn của Canva. Đây là các trang tập trung vào từ khóa khám phá, cho phép người dùng tìm kiếm và lựa chọn các mẫu thiết kế theo từng nhu cầu cụ thể, từ mẫu infographic cho đến mẫu thiệp mời. Các trang này thường xuất hiện trong kết quả tìm kiếm khi người dùng chỉ mới có nhu cầu khám phá và tìm hiểu các giải pháp thiết kế.

Các trang mẫu của Canva không chỉ cung cấp nhiều lựa chọn sáng tạo mà còn được tối ưu hóa với từ khóa đuôi dài, giúp họ nắm bắt nhiều lưu lượng tìm kiếm tự nhiên hơn.

3.2.2. Tận dụng Long Tail Keywords (Từ khóa đuôi dài)

Chiến lược từ khóa của Canva tập trung vào việc tận dụng long tail keywords. Đây là những từ khóa dài, cụ thể và ít cạnh tranh hơn, nhưng lại có tỷ lệ chuyển đổi cao hơn. Bởi vì với từ khóa ngắn, Canva có thể gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các công ty lớn khác, nhưng với từ khóa đuôi dài, Canva có thể nắm bắt người dùng đang tìm kiếm một giải pháp cụ thể, từ đó tăng tỷ lệ chuyển đổi người dùng.

Ví dụ, thay vì chỉ nhắm vào từ khóa ngắn như “poster”, Canva sử dụng các từ khóa đuôi dài như “mẫu poster quảng cáo miễn phí” hay “thiết kế poster cho sự kiện thể thao”. Những từ khóa này có xu hướng thu hút người dùng có nhu cầu rõ ràng và sẵn sàng thực hiện hành động ngay.

Chiến lược từ khoá của Canva còn có điểm độc đáo khi biết tận dụng chính các Template (là nơi có lượng traffic liên tục) trở thành trang đích cho các Keywords. Hãy xem cách mà Canva phân bổ mật độ từ khoá trong một trang Create Page hoặc Template Page như sau.

3.2.3. Content Directories: Sức mạnh từ danh mục nội dung

Content directories giúp tăng cường hiệu quả SEO bằng cách cung cấp nhiều liên kết nội bộ (internal links) giữa các trang có liên quan. Khi một người dùng truy cập vào một danh mục, họ có thể dễ dàng di chuyển qua nhiều trang khác nhau, từ đó tăng thời gian lưu lại trên trang web và giảm tỷ lệ thoát trang. Cả hai yếu tố này đều là các chỉ số quan trọng trong thuật toán xếp hạng của Google.

Canva cũng đã xây dựng một hệ thống content directories rất hợp lý và có tính tổ chức cao khi liên kết các nội dung và mẫu thiết kế thành các danh mục dễ tìm kiếm và truy cập. Ví dụ, Canva tổ chức các mẫu thiết kế theo từng lĩnh vực, như infographics, poster, thiệp mời….. Điều này không chỉ giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm nội dung mà họ cần, mà còn giúp cải thiện cấu trúc nội dung của trang web từ góc độ SEO.

Hơn thế nữa, mỗi Parent Template còn được tổ chức và liên kết bởi nhiều Child Template khác nhau. Ví dụ với Parent Template là Canva.com / Create / Invitations thì gồm có nhiều Child Template với URL là:

  • Canva.com / templates / search / invitations / save-the-date
  • Canva.com / templates / search / invitations / christmas
  • Canva.com / templates / search / invitations / wedding
  • Canva.com / templates / search / invitations / baby-shower

Chúng ta có thể tham khảo về cách tổ chức và sắp xếp Content Directories của Canva thông qua bảng tổng hợp dưới đây:

Parent Template và Child Template

3.3. Mở rộng Content sản phẩm theo chiều rộng và tăng cường theo chiều sâu.

Trong hành trình phát triển và quá trình tăng trưởng, Canva đã áp dụng hai chiến lược quan trọng trong việc mở rộng nội dung sản phẩm: mở rộng theo chiều rộng – thêm các tình huống sử dụng (use case) đa dạng để thu hút đối tượng người dùng mới và mở rộng theo chiều sâu – gia tăng số lượng và độ chi tiết của nội dung, giúp nâng cao trải nghiệm người dùng và giữ chân họ lâu dài.

3.3.1 Mở rộng content sản phẩm theo chiều rộng – đa dạng các Use Case.

Mở rộng theo phân khúc người dùng: Tạo giải pháp thiết kế cho nhiều lĩnh vực khác nhau

Ban đầu, Canva tập trung vào các thiết kế cơ bản phục vụ cá nhân và các doanh nghiệp nhỏ. Nhưng khi nhận thấy tiềm năng trong việc phục vụ các nhóm người dùng với nhu cầu riêng biệt, Canva đã mở rộng phạm vi use case để đáp ứng các lĩnh vực đa dạng. Một số phân khúc người dùng được Canva đặc biệt chú trọng bao gồm:

  • Giáo dục (Canva for Education): Canva tạo ra nền tảng giáo dục miễn phí hoặc với mức giá ưu đãi dành cho giáo viên, học sinh và sinh viên. Công cụ này cho phép họ tạo bài giảng, bài kiểm tra, và các tài liệu học tập sinh động. Điều này giúp giáo viên và học sinh dễ dàng truyền tải thông tin một cách trực quan và thú vị.
  • Doanh nghiệp lớn (Canva for Enterprise): Canva phát triển phiên bản cho doanh nghiệp lớn nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý thương hiệu và thiết kế thống nhất. Các công cụ như Brand Kit và khả năng lưu trữ template thương hiệu giúp các công ty duy trì tính nhất quán và đảm bảo mỗi thiết kế đều phù hợp với tiêu chuẩn thương hiệu.
  • Các tổ chức phi lợi nhuận (Canva for Nonprofits): Canva hỗ trợ các tổ chức phi lợi nhuận bằng cách cung cấp tài khoản miễn phí hoặc giảm giá, giúp họ dễ dàng tạo các tài liệu truyền thông, ấn phẩm quảng bá và tài liệu gây quỹ mà không tốn nhiều chi phí. Điều này không chỉ giúp các tổ chức tối ưu hóa ngân sách mà còn nâng cao hiệu quả trong việc lan tỏa thông điệp.

Phát triển sản phẩm theo định dạng và loại hình nội dung

Canva không chỉ cung cấp các thiết kế ảnh tĩnh mà còn mở rộng ra các định dạng nội dung khác nhau, giúp người dùng có thể sáng tạo nội dung phong phú, đa phương tiện, phù hợp với các chiến dịch marketing và truyền thông hiện đại.

Định dạng và các loại hình nội dung thiết kế của Canva hiện nay
  • Video và hoạt ảnh: Với sự bùng nổ của nội dung video trên các nền tảng như TikTok, Instagram, và YouTube, Canva đã nhanh chóng bổ sung công cụ Canva Video, cho phép người dùng chỉnh sửa video một cách dễ dàng mà không cần kỹ năng phức tạp. Điều này mở ra cánh cửa cho các doanh nghiệp, nhà sáng tạo nội dung tạo ra các video quảng cáo, hướng dẫn sản phẩm và video giới thiệu thu hút.
  • Infographic và thiết kế dữ liệu: Canva đã mở rộng công cụ thiết kế infographic, biểu đồ và đồ thị trực quan, đáp ứng nhu cầu thể hiện dữ liệu và thông tin phức tạp một cách dễ hiểu. Đây là tính năng đặc biệt hữu ích cho các công ty marketing, nghiên cứu, và truyền thông, giúp họ tạo ra nội dung giàu thông tin mà vẫn hấp dẫn.
  • Thiết kế thuyết trình: Canva cung cấp hàng loạt template cho bài thuyết trình với các hiệu ứng sinh động, dễ sử dụng. Điều này giúp người dùng tạo ra các bản thuyết trình ấn tượng, trực quan mà không cần phần mềm chuyên dụng.

3.3.2 Tăng cường nội dung sản phẩm theo chiều sâu: Tăng số lượng và độ chi tiết

Hàng triệu Template đa dạng, phong phú

Bên cạnh việc tăng cường các Use case mới, Canva còn không ngừng bổ sung và đa dạng hóa kho template của mình. Mỗi năm, số lượng template mà Canva cung cấp đều tăng lên đáng kể, giúp người dùng có thể tìm thấy nội dung phù hợp cho mọi hoàn cảnh và mục đích sử dụng. Hiện nay, Canva có hàng triệu template với thiết kế tinh tế, đáp ứng cho mọi nhu cầu của cá nhân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, Canva còn cung cấp hàng triệu hình ảnh và biểu tượng cho người dùng, từ hình ảnh về các chủ đề thông thường đến các biểu tượng đồ họa phức tạp, phục vụ cho nhiều lĩnh vực như giáo dục, kinh doanh, và giải trí. Sự phong phú trong kho tài nguyên này giúp người dùng dễ dàng tùy chỉnh thiết kế để phản ánh phong cách và thông điệp riêng.

Từ đó giúp Canva duy trì một sự đa dạng rất lớn trong kho tàng thư viện nội dung, và trở thành nền tảng cung cấp các giải pháp thiết kế trọn gói. Khác với giai đoạn đầu chỉ có các mẫu thiết kế đơn giản, giờ đây người dùng có thể tìm thấy mọi nguyên liệu cần thiết để có thể tạo ra một sản phẩm thiết kế mong muốn.

Tăng độ chi tiết và tính năng nâng cao

Độ chi tiết của các template cũng là một yếu tố quan trọng mà Canva tập trung phát triển. Trước đây, Canva chỉ cung cấp các mẫu thiết kế cơ bản, phù hợp với người dùng phổ thông. Tuy nhiên, khi nền tảng phát triển, Canva bắt đầu cung cấp các tính năng thiết kế chuyên sâu hơn, bao gồm các công cụ tùy chỉnh nâng cao:

  • Công cụ tùy chỉnh màu sắc và phông chữ: Người dùng giờ đây có thể dễ dàng tạo và lưu bảng màu, chọn phông chữ theo bộ nhận diện thương hiệu.
  • Các yếu tố tương tác và hoạt hình: Canva đã giới thiệu các công cụ tạo hoạt hình và các yếu tố tương tác, cho phép người dùng tạo các bài thuyết trình và video hấp dẫn hơn.
  • Chỉnh sửa hình ảnh nâng cao: Canva Pro cung cấp các tính năng chỉnh sửa ảnh như xóa phông, điều chỉnh độ sáng, tương phản và các công cụ hiệu chỉnh khác giúp người dùng không cần phụ thuộc vào các phần mềm chỉnh sửa chuyên nghiệp.

Một ví dụ điển hình về tăng cường chiều sâu trong nội dung sản phẩm là tính năng thiết kế với dữ liệu (data visualization) của Canva. Khi nhận thấy nhu cầu ngày càng cao trong việc biểu diễn dữ liệu, Canva đã phát triển các công cụ hỗ trợ tạo biểu đồ, đồ thị và infographic phức tạp. Điều này giúp Canva cạnh tranh mạnh mẽ với các phần mềm như PowerPoint hay Google Slides, bởi giờ đây người dùng có thể dễ dàng thiết kế các bản thuyết trình mang tính biểu đạt cao mà không cần kiến thức về thiết kế đồ họa phức tạp.

3.3.3. Nhanh chóng thích nghi và đón đầu xu hướng nội dung

Canva đã khéo léo áp dụng chiến lược tạo nội dung theo xu hướng tiêu dùng để duy trì sức cạnh tranh và phát triển. Điều này đặc biệt thể hiện rõ trong cách họ nhanh chóng bắt kịp những thay đổi và nhu cầu mới của người tiêu dùng như trong trường hợp của Zoom.

Trong thời kỳ đại dịch COVID-19, các công cụ làm việc từ xa và cuộc họp trực tuyến trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Zoom đã nhanh chóng vươn lên trở thành nền tảng hội nghị trực tuyến được ưa chuộng, với hàng triệu người dùng trên toàn thế giới. Canva, với tầm nhìn chiến lược, đã nắm bắt cơ hội này bằng cách phát triển nội dung liên quan đến các xu hướng tiêu dùng mới. Thay vì chỉ tập trung vào các sản phẩm thiết kế truyền thống, Canva đã linh hoạt mở rộng danh mục sản phẩm của mình để phục vụ nhu cầu mới của người dùng.

Một trong những bước đi quan trọng của Canva là việc tạo ra các mẫu phông nền (backgrounds) cho Zoom. Khi làm việc từ xa trở thành tiêu chuẩn mới, nhu cầu về việc cá nhân hóa các phông nền trong các cuộc họp trực tuyến gia tăng mạnh. Người dùng Zoom muốn sử dụng những phông nền đẹp và chuyên nghiệp để làm cho cuộc họp của họ trở nên thú vị và chuyên nghiệp hơn, đặc biệt là khi họ làm việc từ xa trong không gian gia đình.

Canva đã đáp ứng ngay lập tức xu hướng này bằng cách phát hành hàng loạt mẫu phông nền cho Zoom, từ các phông nền sáng tạo, vui nhộn cho đến các mẫu trang trí chuyên nghiệp. Điều này không chỉ giúp họ thu hút thêm người dùng mà còn cải thiện sự hiện diện của thương hiệu trong kết quả tìm kiếm liên quan đến Zoom. Bằng cách sử dụng chiến lược này, Canva đã tận dụng sự bùng nổ của Zoom để tăng lượt truy cập và backlink tự nhiên từ những trang web và blog liên quan.

Không chỉ đơn thuần là việc tạo ra nội dung phù hợp với xu hướng tiêu dùng, Canva còn chú trọng đến việc tối ưu hóa nội dung này cho SEO. Các trang đích liên quan đến các mẫu phông nền Zoom được tối ưu hóa với các từ khóa liên quan đến Zoom và phông nền hội nghị trực tuyến, giúp chúng xuất hiện cao hơn trong kết quả tìm kiếm. Ví dụ, từ khóa “Zoom virtual background” hay “Zoom background templates” được Canva tối ưu hóa để xếp hạng cao trên các công cụ tìm kiếm như Google.

3.4. Chiến lược tăng trưởng mở rộng ra Global.

Mở rộng phạm vi trên toàn thế giới là chiến lược hợp lý và bắt buộc của Canva để đạt được quy mô tăng trưởng cực đại. Với lợi thế là một sản phẩm mà bất kỳ ai, ở quốc gia nào cũng có thể sử dụng được, không bị rào cản bởi yếu tố địa lý, tính đến ngày nay Canva đã có số lượng người dùng đến từ hơn 190 quốc gia khác nhau với quy mô toàn cầu.

Trong đó Chiến lược “Going Global” của Canva, tập trung vào việc bản địa hóa (localization), là những yếu tố chủ chốt giúp công ty mở rộng tăng trưởng trên quy mô toàn cầu và để phù hợp với các thị trường khác nhau.

Canva đã thực hiện các bước sau để tăng cường khả năng tiếp cận và làm hài lòng người dùng toàn cầu. Đó là:

  • Đa ngôn ngữ: Canva đã cung cấp dịch vụ bằng hơn 100 ngôn ngữ, cho phép người dùng khắp thế giới có thể sử dụng nền tảng bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Điều này giúp giảm thiểu rào cản ngôn ngữ và tạo ra trải nghiệm sử dụng thuận lợi hơn.
  • Bản địa hóa nội dung: Ngoài việc cung cấp ngôn ngữ địa phương, Canva còn điều chỉnh các template, hình ảnh và nội dung thiết kế để phù hợp với từng khu vực. Những mẫu thiết kế liên quan đến các lễ hội, sự kiện và văn hóa địa phương giúp người dùng có trải nghiệm tương thích với nhu cầu cụ thể của họ.
  • Trải nghiệm người dùng địa phương: Canva không chỉ đơn giản dịch giao diện mà còn tối ưu hóa quy trình sử dụng sao cho phù hợp với thói quen và mong đợi của người dùng ở các khu vực khác nhau, từ thanh toán, chăm sóc khách hàng đến quy trình onboarding.
  • Đội ngũ bản địa hóa: Canva đã xây dựng các đội ngũ phát triển tại các thị trường lớn để đảm bảo sự hiểu biết sâu sắc về nhu cầu, thị hiếu và thói quen của người dùng tại từng khu vực. Các đội ngũ này có vai trò quan trọng trong việc tùy chỉnh sản phẩm và chiến lược Marketing phù hợp với từng thị trường, giúp Canva thâm nhập sâu hơn vào các thị trường mới.

Bản địa hóa không chỉ giúp Canva thu hút người dùng mới mà còn gia tăng tỷ lệ retention khi người dùng cảm thấy sản phẩm gần gũi và hữu ích trong ngữ cảnh địa phương của họ.

Một ví dụ tiêu biểu về sự thành công của chiến lược bản địa hóa là sự mở rộng mạnh mẽ của Canva tại Ấn Độ. Khi Canva cung cấp nền tảng bằng tiếng Hindi và các ngôn ngữ địa phương khác, đồng thời tạo ra các mẫu thiết kế cho các lễ hội như Diwali và Holi, số lượng người dùng ở Ấn Độ đã tăng trưởng vượt bậc. Canva cũng hợp tác với các tổ chức giáo dục tại đây để cung cấp công cụ thiết kế miễn phí, giúp tạo dựng cộng đồng người dùng mạnh mẽ.

4. Tạm kết

Nhìn lại hành trình tăng trưởng đầy ấn tượng của Canva, chúng ta có thể thấy rằng yếu tố thành công không chỉ nằm ở sản phẩm, mà còn đến từ khả năng hiểu sâu sắc nhu cầu người dùng và những chiến lược tăng trưởng hợp lý và chính xác.

Các chiến lược tăng trưởng của Canva là một minh chứng nổi bật về sức mạnh của sự đơn giản, tập trung vào trải nghiệm người dùng và tính ứng dụng cao trong một lĩnh vực đầy tính cạnh tranh như thiết kế đồ họa.

Và những bài học từ chiến lược của Canva có thể trở thành nguồn cảm hứng và bài học quý dành cho các Start up đang tìm kiếm cách tăng trưởng sáng tạo trong hành trình phát triển bền vững và toàn diện.

——————————

Đăng ký bản tin để không bỏ lỡ những tin tức, nội dung mới và hay nhất. Chúng tôi có những nội dung mới update hàng tuần.

—————————–

Tham gia kết nối với hơn 300+ thành viên giàu kinh nghiệm Growth Marketing để học hỏi, trao đổi ý tưởng và phát triển kỹ năng của bạn trong lĩnh vực này.