Minigame là một hoạt động được các doanh nghiệp sử dụng thường xuyên nhờ khả năng tiếp cận và thu hút khách hàng một cách tự nhiên. Bài viết của Growth Marketing Việt Nam sẽ tổng hợp các loại minigame thường gặp cũng như đưa ra một số kinh nghiệm thực tế, qua đó giúp bạn đa dạng thêm ý tưởng và tránh những rủi ro trong quá trình triển khai.
1. Minigame là gì?
Minigame là một chiến thuật sử dụng các trò chơi nhỏ và có tính tương tác cao để đạt được các mục tiêu khác nhau trong các giai đoạn của hành trình khách hàng: thu hút sự chú ý, nâng cao nhận thức và quan tâm về thương hiệu, duy trì tương tác và chuyển đổi. Tùy vào từng mục tiêu và sản phẩm, minigame sẽ được thực hiện trên các nền tảng khác nhau như mạng xã hội, website, sự kiện trực tiếp hoặc ứng dụng di động.
2. Lợi ích của minigame
Minigame là một chiến thuật trong marketing. Bản chất vai trò của chiến thuật chính là đạt được mục tiêu chung của chiến lược đề ra. Do vậy, vai trò của minigame trong marketing như đã nói trong phần định nghĩa sẽ góp phần hỗ trợ đạt mục tiêu lớn của từng bước trong hành trình mua hàng: Thu hút sự chú ý, Tạo sự hứng thú và tương tác, Nuôi dưỡng yêu thích, Thúc đẩy chuyển đổi.
Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu trên, người làm Marketing có thể sử dụng rất nhiều chiến thuật khác nhau như booking KOL hay viết content. Vậy sự khác biệt của minigame nằm ở đâu? Chính là ở chữ “game”. Bản thân minigame là một trong những ứng dụng của gamification trong kinh doanh và marketing nên chiến thuật này có được đặc điểm nổi bật nhất của gamification: làm trải nghiệm của người dùng thoải mái và vui vẻ. Chính việc làm người dùng thấy vui vẻ, dễ chịu thậm chí là phấn khích giúp minigame tạo được những hiệu ứng mà không phải chiến thuật nào cũng có thể:
- Khả năng viral: Khi người dùng có trải nghiệm “aha”, họ thường hào hứng và chia sẻ trên mạng xã hội hay vòng tròn kết nối của họ. Minigame lắc xu của Shopee hay “Săn vé anh tài” của Techcombank là những ví dụ điển hình. Nhiều doanh nghiệp khi tạo những minigame trên mạng xã hội cũng thường đưa ra những phần thưởng hấp dẫn và những điều kiện liên quan đến việc chia sẻ (Like, Share, Tag bạn bè) để minigame đó có thể tiếp cận đến nhiều người hơn.
- Giữ chân khách hàng: Minigame có khả năng giữ chân khách hàng ở trên các nền tảng (website, ứng dụng mobile) lâu hơn hẳn. Một số minigame được tổ chức cố định vào một số thời điểm trong ngày cũng khuyến khích khách hàng quay trở lại website hoặc ứng dụng nhiều thời điểm khác nhau trong ngày.
3. Các ý tưởng minigame
3.1. Quiz
Quiz (Đố vui) là một loại minigame kinh điển, yêu cầu người chơi trả lời các câu đố liên quan đến thương hiệu, sản phẩm hoặc chủ đề thú vị. Hình thức câu đố khá đa dạng từ câu hỏi trắc nghiệm, đuổi hình bắt chữ, giải toán, giải ô chữ,…. Doanh nghiệp có thể linh hoạt lựa chọn hình thức phù hợp để ứng dụng cho doanh nghiệp của mình.
Dưới đây là một số ý tưởng minigame dạng đố vui thường gặp.
3.1.1 Chọn đáp án đúng
Người chơi được yêu cầu chọn 1 hoặc nhiều hơn 1 từ danh sách đáp án được cung cấp. Dạng câu hỏi này thường khá dễ tìm đáp án đúng, tạo động lực cho người chơi dễ dàng tham gia.
Trong ví dụ dưới đây, Ajinomoto Cooking Studio đã yêu cầu khách hàng chọn 4 trên 6 đáp án đúng giới thiệu về sản phẩm nước tương Phú Sĩ. Đồng thời người chơi cũng được yêu cầu tag 3 người bạn, chia sẻ về trang cá nhân chế độ công khai.
Nguồn: Facebook Ajinomoto Cooking Studio
3.1.2. Giải ô chữ
Giải ô chữ gồm các ô chữ là các từ khóa liên quan đến thương hiệu hoặc sản phẩm, được ẩn đi với các gợi ý đi kèm. Người tham gia phải tìm và điền đúng các chữ cái để hoàn thành ô chữ theo gợi ý.
Nguồn: Facebook Circle K Việt Nam
3.1.3. Đuổi hình bắt chữ
Là dạng minigame kết hợp hình ảnh với tư duy ngôn ngữ để tìm ra đáp án đúng. Người chơi quan sát hình ảnh hoặc biểu tượng và đoán từ, cụm từ liên quan đến thương hiệu, sản phẩm hoặc chủ đề chương trình. Hình thức này sẽ yêu cầu người chơi phải tư duy, kích thích mọi người giải đố và tham dự.
Nguồn: Facebook Shopee
3.1.4. Tìm điểm khác biệt
Là minigame thử thách khả năng quan sát và tập trung của người chơi. Người tham gia sẽ so sánh hai hình ảnh gần giống nhau và tìm ra những chi tiết khác biệt trong thời gian giới hạn. Trò chơi này phù hợp cho các đối tượng khách hàng là bố mẹ và các con cùng tham gia.
Nguồn: Hismartmilk.vn
3.1.5. Giải mê cung
Giải mê cung là minigame thử thách sự nhanh nhạy và tư duy logic của người chơi khi tìm đường thoát khỏi mê cung. Người tham gia có thể điều khiển nhân vật hoặc vẽ đường đi để đến đích trong thời gian giới hạn
Nguồn: Facebook Lazada
3.2. Thi ảnh/video/chia sẻ câu chuyện
Thi ảnh/video/chia sẻ câu chuyện là minigame khuyến khích người chơi tạo nội dung liên quan đến thương hiệu, giúp tăng mức độ gắn kết và cá nhân hóa trải nghiệm. Người tham gia chủ động thể hiện cảm xúc, suy nghĩ về sản phẩm, từ đó tạo ra nội dung chân thực và đáng tin cậy.
Dạng minigame này sẽ có nhiều rào cản cho người chơi (Viết bài, chụp ảnh, chủ động đăng trên Facebook cá nhân) nhưng những nội dung được tạo từ chính khách hàng sẽ có tính chân thực, tác động tích cực đến những người trong vòng tròn bạn bè của người tham dự. Đồng thời, doanh nghiệp thu thập được ý tưởng sáng tạo từ chính khách hàng, hỗ trợ cải thiện sản phẩm và chiến lược marketing.
Nguồn: Facebook Thẩm mỹ viện Diva
Nguồn: Facebook AHC by Hannah Olala
3.3. Quay số/Bốc thăm trúng thưởng
Quay số/Bốc thăm trúng thưởng là minigame phổ biến, thu hút người chơi nhờ yếu tố may mắn và phần thưởng hấp dẫn. Người tham gia chỉ cần thực hiện các yêu cầu đơn giản như đăng ký thông tin, tương tác bài viết hoặc mua hàng để có cơ hội nhận quà. Các sàn thương mại điện tử thường tạo các chương trình trong những khung giờ cố định để tạo cảm giác háo hức, khiến khách hàng quay lại nhiều lần trong ngày để săn các voucher mua sắm.
Quay số trúng thưởng cũng là hình thức minigame hay xuất hiện trong các sự kiện offline như hội chợ, triển lãm vì thời gian chơi ngắn, tạo bầu không khí sôi động cho chương trình.
Nguồn: Facebook Sendo
3.4. Check in trúng thưởng
Là minigame khuyến khích khách hàng tương tác trực tiếp với thương hiệu bằng cách check-in tại địa điểm cụ thể hoặc trên mạng xã hội. Người tham gia chỉ cần chụp ảnh, đăng bài kèm hashtag thương hiệu để có cơ hội nhận quà. Hình thức này thường kết hợp giữa online và offline, sử dụng các kênh online để truyền thông cho các sự kiến offline.
Nguồn: Facebook Cao Đẳng FPT Polytechnic TP Hồ Chí Minh
4. Kinh nghiệm triển khai minigame thực tế
4.1. Minigame tại sự kiện offline – Old but Gold
Là người từng nghĩ rằng các trò chơi hội chợ đã lỗi thời, tôi đã thay đổi suy nghĩ khi tham gia một sự kiện gian hàng cho sinh viên. Sau một buổi sáng không có mấy khách đến gian hàng, tôi nhận ra là gian hàng của mình giống hệt những gian hàng khác và các bạn sinh viên cần một hoạt động gì đó để thu hút hơn.
Do vậy, tôi và công ty quyết định tổ chức vòng quay may mắn và tặng quà là gói dùng thử sản phẩm cho bất kỳ sinh viên nào ghé qua. Thật bất ngờ, chiều và ngày hôm sau, chúng tôi đã tiếp khách không kịp. Các bạn sinh viên khác thấy đông nên tò mò, đến hỏi và tham gia cùng. Sự kiện đạt được kết quả về nhận diện thương hiệu ngoài mong đợi!
Minigame tại các sự kiện trực tiếp không phải là mới, nhưng chắc chắn không lỗi thời. Với một khách tham quan giữa hàng trăm thương hiệu mới, kim chỉ nam duy nhất của họ là đi theo đám đông. Minigame chính là công cụ giúp bạn tạo ra “đám đông” đó cho gian hàng của mình.
Hãy thử những trò chơi ngắn, dễ chơi, mang tính may mắn để khơi gợi sự hồi hộp, háo hức và tò mò cho một nhóm nhỏ. Khi đó, hiệu ứng “tâm lý đám đông” sẽ bắt đầu phát huy tác dụng. Việc của bạn là chuẩn bị một kịch bản chuyển đổi lượng khách này để đạt mục tiêu sự kiện—nếu không, đám đông ấy sẽ trở nên vô nghĩa.
4.2. Mục tiêu đi trước, loại hình đi sau
Minigame là hoạt động thường xuyên của các doanh nghiệp, nhưng đôi khi lại được đưa vào kế hoạch một cách chung chung, chỉ với mục đích tạo ra một hoạt động nào đó cho khách hàng.
Dù hầu hết mọi người bắt đầu với câu hỏi “Chơi game gì nhỉ?”, chúng ta có thể thay đổi bằng cách tự hỏi “Chơi game để làm gì nhỉ?”. Hiểu rõ mục tiêu ngay từ đầu sẽ giúp bạn đi đúng hướng, chọn đúng trò chơi và luật chơi phù hợp. Khi đó, người chơi sẽ cảm thấy hào hứng, còn doanh nghiệp thì đạt được mục tiêu—đôi bên cùng có lợi.
4.3. Lưu lại quá trình và kết quả trao giải
Việc ghi lại quá trình tìm ra người thắng giải, đặc biệt với các trò chơi dựa vào may mắn như bốc thăm hay quay số trúng thưởng đôi khi hay bị xem nhẹ.
Tôi từng chứng kiến một doanh nghiệp là một chuỗi siêu thị lớn tại Hà Nội rất vất vả để giải thích với khách hàng trúng giải rằng tờ bốc thăm của họ thiếu thông tin hợp lệ, nên giải thưởng đã được trao cho người khác. Tuy nhiên, do không lưu lại các tờ bốc thăm sau quá trình rút thăm, doanh nghiệp không có bằng chứng để chứng minh điều đó. Khách hàng thấy bất công, doanh nghiệp đuối lý. Mọi công sức tổ chức minigame đều vô nghĩa!
Quay hình và lưu giữ tất cả những hiện vật liên quan đến quyết định trao giải tưởng chừng đơn giản nhưng lại giúp đảm bảo minh bạch và dễ dàng giải thích khi có thắc mắc từ người chơi.
5. Kết luận
Minigame là một công cụ đơn giản nhưng có thể mang lại hiệu quả lớn nếu được triển khai đúng cách. Không chỉ giúp thu hút sự chú ý, tạo ra đám đông và khuyến khích khách hàng tương tác, minigame còn góp phần nâng cao trải nghiệm thương hiệu. Điều chú ý quan trọng nhất chính là xác định được đúng mục tiêu, lựa chọn hình thức phù hợp và cẩn trọng trong triển khai để đạt được kết quả kỳ vọng.
————————–
Series bài viết về chủ đề Gamification:
Part 1: Gamification là gì? Hiểu đúng để áp dụng hiệu quả trong phát triển sản phẩm và Marketing.
Part 2: Mô hình Octalysis – Khi gamification không đơn thuần là điểm số, huy hiệu hay bảng thi đua.
Part 3: Tổng hợp ý tưởng 4 loại Minigame phổ biến và kinh nghiệm triển khai Minigame thực tế.
—————————
Đăng ký bản tin để không bỏ lỡ những tin tức, nội dung mới và hay nhất. Chúng tôi có những nội dung mới update hàng tuần.
———————
Tham gia kết nối với hơn 300+ thành viên giàu kinh nghiệm Growth Marketing để học hỏi, trao đổi ý tưởng và phát triển kỹ năng của bạn trong lĩnh vực này.

Learning and working in Marketing, Growth, and Startups
Product Marketing Leader at eJOY English